Góp vốn điều lệ thành lập Công ty - Những điều cần biết
Hiện nay tại Việt Nam có một hệ thống luật kinh doanh áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, theo đó có những quy định chuyên biệt về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, vốn điều lệ, …
THEO LUẬT DOANH NGHIỆP
Luật số: 68/2014/QH13 Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2014
Thời hạn góp vốn điều lệ thành lập công ty
Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
Thành viên, chủ sở hữu phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu không góp vốn kịp thời hạn, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ, thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn điều lệ và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Mức phạt khi vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Tiếp tục hoạt động khi đã kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ mà không được gia hạn;
- Không góp đúng hạn số vốn đã đăng ký.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không góp đủ số vốn như đã đăng ký.
Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế;
- Kinh doanh dưới danh nghĩa doanh nghiệp khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã giải thể;
- Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần đặc biệt lưu ý:
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần đặc biệt lưu ý thực hiện thủ tục mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, tách biệt hoàn toàn với tài khoản thanh toán thông thường. Việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Tài khoản này chỉ dùng để nhận góp vốn, rút vốn, rút lợi nhuận… và phải tuân thủ các qui định về quản lý ngoại hối. Đã có rất nhiều nhà đầu tư bị gặp trở ngại, bị phạt hành chính vì đã không tuân thủ lưu ý này.
- Người chuyển tiền vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp phải là nhà đầu tư có tên trong giấy phép kinh doanh đã được cấp
- Số tiền chuyển vào phải là net, không được nhiều hơn vốn điều lệ, không được thiếu vì bị trừ phí ngân hàng.
- Vốn điều lệ có thể được góp thành nhiều lần.